Thúc đẩy hợp tác lao động và đào tạo nghề Việt Nam - Campuchia
05/05/2023 03:39
Thúc đẩy hợp tác lao động và đào tạo nghề Việt Nam - Campuchia

      Sáng 5/4, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Lao động Việt Nam - Campuchia đã được tổ chức, nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động và đào tạo nghề giữa Việt Nam và Campuchia.

Hội nghị là dịp triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia về hợp tác trong lĩnh vực lao động giai đoạn 2022 - 2027.


Hội nghị Bộ trưởng Lao động Việt Nam - Campuchia diễn ra sáng 5/4.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng đồng chủ trì. Tham dự hội nghị còn có đại diện Tổng cục, Cục, Vụ, Viện và các đơn vị liên quan của hai Bộ, Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia tiếp tục được chú trọng, phát triển cả về chiều sâu và chiều rộng, đạt được nhiều kết quả tiến bộ.


Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

"Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có mối quan hệ truyền thống và gắn bó lâu đời. Người dân hai nước thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong mọi hoàn cảnh.

Qua hơn 55 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, mặc dù tình hình thế giới và khu vực đã nhiều lần trải qua biến động cả thuận lợi và thách thức đan xen, song hai nước vẫn luôn hướng tới và thực hiện tốt mối quan hệ "láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Thời gian qua, hai Bộ đã tăng cường công tác quản lý lao động Campuchia tại Việt Nam, cũng như lao động Việt Nam tại Campuchia, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của lao động hai nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Việt Nam và Campuchia cũng đã thúc đẩy các hoạt động hợp tác và ủng hộ nhau trên cả bình diện hợp tác song phương và đa phương với nhiều dự án chung trong các khuôn khổ ASEAN...


Hội nghị được tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lao động và đào tạo nghề giữa Việt Nam và Campuchia.

Việc hỗ trợ sinh viên học tập và nghiên cứu thông qua các học bổng tại các trường nghề trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam cũng được chú trọng và thúc đẩy, thông qua Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật. Ông dẫn chứng, trường Cao đẳng Thái Nguyên mỗi năm đều cấp học bổng cho khoảng 35 sinh viên Campuchia sang Việt Nam học tập.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc sớm thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác lao động giữa hai Bộ giai đoạn 2022-2027 trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi hai Bộ sẽ phải nỗ lực đưa ra các định hướng, luật pháp và chính sách phát triển mới, sáng tạo và mang tính đột phá nhằm thích ứng với tình hình mới, góp phần vào ổn định kinh tế và xã hội của hai nước.


Bộ trưởng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng.

Bộ trưởng tin tưởng rằng việc thống nhất Kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ về hợp tác lao động giai đoạn 2022-2027 sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hợp tác giữa hai Bộ trong lĩnh vực lao động và đào tạo nghề, từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động và Đào tạo nghề Campuchia Ith Samheng bày tỏ sự nhất trí xây dựng Kế hoạch hành động 5 năm (2023-2027) để thực hiện Bản ghi nhớ về hợp tác lao động giai đoạn 2022-2027 nhằm trao đổi thêm thông tin, dữ liệu, nghiên cứu, chuyên môn về lao động, việc làm và đào tạo nghề; tăng cường quản lý lao động di cư tại các khu vực của cả 2 nước; tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp các giấy tờ pháp lý theo yêu cầu của pháp luật và quy định.


Việc ký kết Bản ghi nhớ giữa hai bộ sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Bộ trưởng Ith Samheng đề nghị hai bên chú trọng công tác phòng, chống việc tuyển dụng và sử dụng lao động bất hợp pháp, ngăn chặn nạn bóc lột lao động và buôn bán người.

Chú trọng tạo việc làm, nâng cao phúc lợi người dân, người lao động. Nỗ lực giải quyết các vấn đề về thị trường lao động, đề ra khung chính sách quốc gia về quỹ công bằng y tế, chế độ an sinh xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe việc làm.

Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống bảo trợ xã hội toàn diện, rộng rãi và bao trùm người dân, đặc biệt là người nghèo, người dễ bị tổn thương...

Trước đó, chiều 4/4, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Hội nghị quan chức cao cấp Việt Nam - Campuchia để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Lao động Việt Nam - Campuchia nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã được tổ chức thành công.

Trong 2 phiên làm việc, các đơn vị liên quan của hai bộ đã cùng nhau chia sẻ thông tin và thảo luận về các chủ đề phục hồi và phát triển thị trường lao động sau đại dịch; kế hoạch cho tương lai; Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh mới; Pháp luật, chính sách và việc thực hiện quản lý lao động di cư...

dantri.com.vn