Đẩy mạnh tính dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc và công tác cán bộ
06/09/2024 04:11
Đẩy mạnh tính dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc và công tác cán bộ

 

Ngày 06/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Công đoàn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị đối thoại với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động năm 2024. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH tham dự và chủ trì Hội nghị.

 

Cùng tham dự Hội nghị có: đồng chí Lê Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; đồng chí Lê Văn Hoạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ; đồng chí Hoàng Thị Thu Huyền, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, Chủ tịch Công đoàn Bộ; các đồng chí lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ; Ban Chấp hành Công đoàn Bộ; Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Bộ và Chủ tịch công đoàn các đơn vị thuộc Bộ.

Hội nghị được tổ chức để lắng nghe, trao đổi, làm rõ và giải đáp những kiến nghị, đề xuất chính đáng cũng như tâm tư nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ LĐTBXH, góp phần xây dựng môi trường làm việc tích cực, thúc đây cá nhân, tập thể trong Bộ có thể hoàn thành hơn nữa các nhiệm vụ được giao. Đồng thời, đẩy mạnh phát huy tính dân chủ, tạo sự đồng thuận cao trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận: “Thời gian qua, việc phát huy tính dân chủ ở các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cơ bản được thực hiện tốt. Đặc biệt là phát huy dân chủ giữa cấp ủy - chính quyền; dân chủ giữa người đứng đầu - tổ chức đoàn thể”.

Bộ trưởng cũng cho biết, tính dân chủ quan trọng nhất trên 3 khía cạnh, gồm: (1) Dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc trong cơ quan, đơn vị; (2) Dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ; (3) Dân chủ trong đề xuất phát triển cán bộ.

Đối với dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện công việc trong cơ quan, đơn vị, Bộ trưởng nêu, các cơ quan, đơn vị cần phát huy dân chủ, căn cứ theo năng lực, sở trường để phân công nhiệm vụ chính xác, phù hợp giúp phát huy tối đa khả năng, hiệu quả của cán bộ trong công việc. Ngược lại, nếu không công tâm, dân chủ, khách quan và không phân công đúng năng lực sẽ khiến cán bộ không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ.

“Dân chủ là giải pháp tốt nhất nâng cao tính đoàn kết trong cơ quan, đơn vị và tạo ra sức mạnh tập thể. Nếu không dân chủ trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện chắc chắn cơ quan không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Trong dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ, dẫn chứng lại tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đánh giá cán bộ và đổi mới công tác cán bộ với 06 nội dung, Bộ trưởng chia sẻ, các cơ quan, đơn vị cần vận dụng tính dân chủ, đưa nguyên tắc “hiểu và đánh giá đúng cán bộ” lên đầu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Cũng theo Bộ trưởng, cần tạo điều kiện, khích lệ để cán bộ thể hiện, phát huy và sử dụng cán bộ theo tinh thần khách quan, công tâm. Tuy nhiên, các đơn vị dù tạo điều kiện cho cán bộ nhưng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát. “Với tinh thần dụng nhân như dụng mộc, các đơn vị phải khéo léo trong sử dụng cán bộ thì hiệu quả công việc sẽ cao, nếu sử dụng không đúng thì sẽ không hiệu quả và không đem lại tác dụng”, Bộ trưởng cho biết.

Để phát huy tính dân chủ cơ sở thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị, các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu trong mọi lĩnh vực công tác của Bộ; tập trung rà soát, tham mưu đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước của Bộ.

Đồng thời, hoàn thiện công tác xây dựng và triển khai tốt đề án vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để lãnh đạo. Hơn hết, người lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ phải làm tốt công tác phân công nhiệm vụ cụ thể và định kỳ nhận xét, đánh giá, có hình thức động viên, khen thưởng và phê bình, nhắc nhở kịp thời đối với công chức, viên chức và người lao động.

Các đơn vị cần tập trung đổi mới công tác quản trị, theo hướng thay quản trị giải pháp thành chú trọng mục tiêu, thay quản lý thời gian làm việc sang quản lý hiệu quả công việc; khẩn trương rà soát, sửa đổi bổ sung quy chế dân chủ, quy chế làm việc trong từng đơn vị, chú trọng phát huy dân chủ trong sinh hoạt, hội họp, bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của tập thể cấp ủy và lãnh đạo đơn vị; tăng cường tổ chức các phong trào thi đua và hoạt động tập thể trong từng đơn vị để phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đồng thời tạo sự gắn bó, đoàn kết trong đơn vị.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng tại Hội nghị.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị, mỗi cấp ủy tổ chức Đảng quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo đơn vị cùng cấp để làm tốt hơn công tác phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp Đảng, đề xuất với Bộ về công tác quy hoạch, đào tạo, đề bạt, luân chuyển, bổ nhiệm, thực hiện công tác khen thưởng, kỷ luật và chính sách về công tác cán bộ bảo đảm công bằng, công minh; Công đoàn Bộ phải tiếp tục quan tâm, chăm lo quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, nhất là quyền lợi về chính trị, tinh thần.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hy vọng: “Thông qua Hội nghị đối thoại, tính dân chủ cơ sở trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ sẽ được thực hiện tốt và ngày càng tăng lên hơn nữa”.

Tại Hội nghị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ đã đóng góp 23 ý kiến, đề xuất, kiến nghị tới Lãnh đạo Bộ (trong đó có: 18 ý kiến gửi thông qua Công đoàn Bộ; 05 ý kiến đóng góp trực tiếp).